“Không gian văn hóa Hồ Chí Minh” tại Huyện đoàn (Thanhuytphcm.vn) - Việc xây dựng “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh” trong trường học giúp học sinh có thêm cơ hội tìm hiểu cuộc đời, sự nghiệp của Bác Hồ, những đặc trưng văn hóa tiêu biểu của thành phố mang tên Bác là một trong những việc làm được huyện Hóc Môn tập trung thực hiện trong thời gian qua.
Đồng chí Trần Thị Thanh Huyền, Bí thư Huyện đoàn, Giám đốc Nhà Thiếu nhi huyện Hóc Môn cho biết: “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh” được ra mắt tại Huyện đoàn vào 8/11/2022, sau 5 tháng ra mắt đã có hơn 16 chương trình giới thiệu, triển lãm, các hoạt động thể dục thể thao, các chương trình tuyên dương… được tổ chức nơi đây với trên 831 lượt thanh thiếu nhi tham quan. Các nội dung, tư liệu tại “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh” tại cơ quan được thường xuyên quan tâm, gia cố. Trong năm 2023, Nhà Thiếu nhi, Hội đồng Đội, Chi đoàn Cơ quan Đảng - Đoàn thể đã phối hợp bổ sung, làm phong phú thêm tư liệu về Bác như thực hiện các nội dung triển lãm bao gồm các tác phẩm đạt giải vẽ tranh, ứng dụng chuyển đổi số trong thực hiện: thư viện, chuyên mục Bác Hồ, Radio...
Đồng chí Trần Thị Thanh Huyền cho biết thêm: Trong thời gian tới thực hiện Chủ đề năm 2023 “Năm chuyển đổi số các hoạt động của Đoàn”, phát huy những kết quả đạt được trong việc thực hiện và tiếp tục triển khai Kế hoạch số 142-KH/HU của Ban Thường vụ Huyện ủy về “Xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh” trong hệ thống dân vận, Huyện đoàn sẽ tập trung chỉ đạo các cơ sở Đoàn trực thuộc triển khai thực hiện “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh” tại cơ sở gắn với công trình, phần việc cụ thể như: Thực hiện Vườn cây Bác Hồ, xây dựng không gian tuyên truyền trên các trang mạng xã hội, trang cộng đồng. Đổi mới phương pháp tổ chức, thực hiện gắn với Kết luận số 01-KL/TW ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Chia sẻ về kết quả xây dựng “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh” tại Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện nói riêng và các trường học trên địa bàn huyện nói chung, cô Lê Thị Thùy Linh, chuyên viên phòng Giáo dục và Đào tạo huyện nói: Hiện, việc xây dựng “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh” đã đi vào nền nếp, các em học sinh rất hào hứng khi tham gia sinh hoạt tại không gian này. Tại phòng Giáo dục và Đào tạo huyện, ngoài việc xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh, phòng còn mở rộng hiệu quả của không gian bằng việc chọn nơi đây làm nơi sinh hoạt chi bộ, sinh hoạt chuyên đề, hay tổ chức lễ kết nạp Đảng cho đảng viên mới nhằm gia tăng cơ hội, điều kiện để cán bộ ngành giáo dục học, hiểu thêm về Bác Hồ; từ đó, chọn cho mình những điều tâm đắc nhất để học, làm theo và truyền đạt cho các em học sinh.
Một trong những trường xây dựng và sử dụng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh hiệu quả là Trường THCS Tân Xuân. Cô Phó Hiệu trưởng Trường THCS Tân Xuân Nguyễn Đoàn Thiên Lý cho biết: “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh” được nhà trường xây dựng với mong muốn mở ra một không gian văn hóa độc đáo, gần gũi về Bác Hồ và TPHCM với học sinh trong khuôn viên trường. Tại đây, nhiều đầu sách giới thiệu đến học sinh các nét văn hóa, kiến trúc, ẩm thực độc đáo của Thành phố. Bất cứ thời gian nào các em cũng có thể vào đọc, tìm hiểu những câu chuyện về Bác... Không gian này cũng là một cách nhà trường giáo dục học sinh việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” một cách sinh động nhất. Với mục tiêu đưa các em đến gần “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh” hơn nên nhà trường xây dựng rất đa dạng và phong phú. Không gian của trường được sắp xếp và bày trí như Bảo tàng Hồ Chí Minh thu nhỏ.
Cô giáo hướng dẫn học sinh tìm hiểu về Bác Hồ tại “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh” trường THCS Tân Xuân Bên cạnh đó, thư viện cũng được trang bị nguồn tư liệu số. Những chiếc máy tính ở phòng thư viện đều được cài đặt sẵn, khi các em mở máy là có thể tiếp cận với những tư liệu về cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nguồn tư liệu được sưu tầm và chắt lọc kỹ càng nhằm giáo dục các em về lòng yêu nước, phấn đấu học tập để xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh. Ngoài ra, trường còn trưng bày hình ảnh, áp phích lớn về cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong sân trường. Bằng việc tạo ra “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh” trong sân trường - một cách thức tuy đơn giản nhưng mang lại hiệu quả cao bởi học sinh có thể tiếp cận một cách tự nhiên nhất, bổ sung kiến thức về TPHCM, thích thú hơn với các bài học lịch sử.
Em Ngô Ngọc Bảo Châu, học sinh lớp 9A8 kể: “Em đi qua phòng nhiều lần cũng tò mò, thấy nhiều bạn được vào học tại phòng đã rất thích rồi. Nhưng khi được ngồi học trực tiếp ở phòng này là một sự cảm nhận khác biệt. Không gian thoáng mát, thông qua những tư liệu, tranh, ảnh quý, em có thể hình dung cuộc đời của Bác Hồ mà trên mạng xã hội tìm cũng không có”.
Có thể thấy việc xây dựng “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh” đang được nhiều trường học tại huyện thực hiện đã tạo một môi trường học tập, trải nghiệm thực tế, sinh động và hiệu quả, khuyến khích sự tự học, tự nghiên cứu, học tập và làm theo tư tưởng Hồ Chí Minh một cách gần gũi, thực tế nhất. Tin tưởng rằng thời gian tới “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh” sẽ tiếp tục được nhân rộng góp phần đưa việc học tập và làm theo Bác ngày càng thực chất và lan tỏa mạnh mẽ vào đời sống xã hội, người dân, học sinh.
Thu Ngọc
https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/thuc-tien-kinh-nghiem1/-/2018/828109/phat-huy-gia-tri-di-san-van-hoa-trong-xay-dung-%E2%80%9Ckhong-gian-van-hoa-ho-chi-minh%E2%80%9D-tren-thanh-pho-mang-ten-bac.aspx