GIỚI THIỆU SÁCH CHỦ ĐIỂM 2-9





BÀI GIỚI THIỆU SÁCH THÁNG 9

Kỷ niệm ngày Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam
“Kể chuyện sự kiện lịch sử bằng hình ảnh tư liệu Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh ngày 2 tháng 9 năm 1945” 

      Các em yêu quý!
      Cách mạng tháng Tám năm 1945 là cuộc cách mạng vĩ đại của dân tộc ta, nhân dân Việt Nam đã đập tan xiềng xích nô lệ của Pháp trong gần một thế kỉ. Sự kiện này đã được đánh dấu vào ngày 2 – 9 – 1945, tại quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.
Để kỷ niệm ngày Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thư viện trường THCS Bình Khánh  xin được giới thiệu với các em học sinh tập sách Kể chuyện sự kiện lịch sử “Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh ngày 2 tháng 9 năm 1945” bằng hình ảnh nằm trong bộ sách “Kể chuyện các sự kiện lịch sử bằng hình ảnh tư liệu” của Nhà xuất bản Lao Động và Công ty TNHH Đông Tân.
           Các em thân mến!
     Trong từng trang sách, các em sẽ thấy được không khí sục sôi, khẩn trương của quân và dân cả nước trong những ngày Cách mạng tháng Tám. Qua đó, các em sẽ thêm tự hào về truyền thống yêu nước và chí khí quật cường của dân tộc ta. Tập sách dày 64 trang với các hình ảnh chân thực về tên đất, tên người gắn liền với các sự kiện lịch sử tháng Tám hào hùng của dân tộc ta. Đây cũng sẽ là tư liệu bổ ích cho các em quan tâm đến lịch sử dân tộc.
      Các em có thể tìm thấy tập sách trong tủ sách về sự lịch sử tại thư viện nhà trường. Sách do Nhà xuất bản Lao Động và Công ty TNHH Đông Tân xuất bản năm 2009. Mong rằng với quyển sách này, các em có thể có những giây phút được tìm về với không khí hào hùng của cuộc cách mạng tháng Tám và các em sẽ càng thêm tự hào về nhân dân ta, về dân tộc ta.




Kính thưa quý Thầy Cô và các em học sinh thân mến!
      Nhân dịp kỷ niệm 66 năm cách mạng tháng 8 và Quốc khánh mùng 2 tháng 9, xin giới thiệu đến quý Thầy Cô và các bạn quyển sách “2/9/1945 qua những trang hồi ức”.
      Các bạn thân mến! Ngày 2 tháng 9 năm 1945 tại Quảng trường Ba Đình – Hà Nội lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Từ đây chấm dứt vĩnh viễn ách đô hộ gần một thế kỷ của chế độ thực dân Pháp, mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch sử dân tộc: kỷ nguyên độc lập, tự do, hạnh phúc và tiến bộ chủ nghĩa xã hội. Khí thế cách mạng sục sôi, trào dâng trên phạm vi cả nước trong Tổng khởi nghĩa tháng Tám và giờ phút thiêng liêng: Sự ra đời của Nước Việt Nam mãi mãi in sâu trong tâm trí biết bao người hôm nay.
      Các bạn có biết, tác giả của “2/9/1945 qua những trang hồi ức” là những cán bộ cách mạng lão thành đã trực tiếp tham gia Tổng khởi nghĩa, là những nhà văn, nhà thơ được chứng kiến hoặc được nghe kể lại … Bằng những trang viết rất chân thực, sinh động giúp cho chúng ta – thế hệ trẻ hôm nay có cái nhìn toàn diện, sâu sắc hơn về lịch sử vĩ đại này. “2/9/1945 qua những trang hồi ức” bao gồm những tác phẩm viết về Bác Hồ, về cuộc Tổng khởi nghĩa như:
      - Bác về của Sơn Tùng.
      - Tiến tới tổng khởi nghĩa của Lê Tuấn.
      - Hà Nội  khởi nghĩa của Nguyễn Khang và Như Phong, v…v….
      - Bác về Phú Gia của Ngọc Châu. Nơi mà lần đầu tiên từ chiến khu Việt Bắc Bác đặt chân lên đất Hà Nội để chuẩn bị cho lễ ra mắt toàn dân vào ngày Quốc Khánh mùng 2 tháng 9 năm 1945. Dưới đây là trích trong nhiều câu chuyện có trong quyển sách này:
      Câu chuyện: Đúng Ông Cụ Rồi.
      Sáng 2 tháng 9, đội tự vệ hai thôn chúng tôi cùng với nhân dân về Ba Đình mít tinh, dự lễ công bố “Tuyên ngôn độc lập”.
      Là vùng cơ sở mạnh, nên hai  thôn chúng tôi được xếp gần kháng đài.
      Nghe công bố danh sách thành viên Chính phủ lâm thời, lòng chúng tôi cũng náo nức như mọi người chờ mong vị Chủ tịch đầu tiên của đất nước cũng như các vị khác trong Chính phủ.
      Rồi Chính phủ nhân dân lâm thời ra mắt. Ôi! Ngạc nhiên quá. Tôi còn đang ngờ ngợ - Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được gặp bao giờ mà quen thế. Chợt mấy anh em tự vệ kêu lên:
        - Đúng Ông Cụ rồi.
        - Ông Cụ về làng ta là Hồ Chủ tịch rồi.
        - Trời ơi! Sướng qua! Đúng là Ông Cụ rồi.
      Phải, đúng Ông Cụ rồi. Tôi, đồng chí Thành, tất cả anh em tự vệ nhận rõ quá rồi. Ông Cụ hôm nay chỉ khác mấy hôm trước về bộ quần áo kaki, vẫn cái mũ, vẫn vầng trán, cặp mắt ấy. Nhìn, ngắm Hồ Chủ tịch, lắng nghe bản Tuyên ngôn độc lập, lòng tôi bỗng trào lên niềm xúc động không sao tả được.
      Hôm ấy, trên đường về, hai thôn Xù, Gạ chúng  tôi sôi nổi câu chuyện: Hồ Chủ tịch là Ông Cụ đã về làng ta. Mỗi lời nói, cử chỉ hình dáng của Hồ Chủ tịch được mọi người say sưa kể lại.
      Tôi về phấn khởi kể chuyện ấy với ông tôi. Nghe kể xong, ông tôi sung sướng nói:
        - Ừ, thoáng qua, tao đã thấy Cụ là người khác thường lắm. Nước mình có vị Chủ tịch gần dân như vậy thật là hồng phúc quốc gia lớn lắm.
      Suy nghĩ một lát ông lại nói:
        - Cháu ạ. Tao ngẫm xem trước kia Lý Thái Tổ từ Hoa Lư ngược sông Hồng ra Thăng Long, dân Việt ta nổi cơ đồ từ đó. Ngày nay Hồ Chủ tịch từ Tân Trào thuận sông Hồng trở về Hà Nội, trên thuận lòng trời, dưới hợp ý dân. Tao cho là cái thế này là cái thế dân Việt ta bạt núi, ngăn sông, lấp biển không có việc gì khó nữa đâu!
      Tôi lúc ấy đang máu thanh niên, nghe thấy câu “trên thuận lòng trời” thì không đồng ý. Ông tôi bảo:
        - Cháu có lý của cháu. Ông có lý của ông. Trước kia Lý Thái Tổ ra Thăng Long là rồng vàng bay lên. Bây giờ Hồ Chủ tịch về Hà Nội, dân mở hội treo cờ. Cờ làm cho mây, nước cũng đỏ một màu, như vậy không “trên thuận lòng trời, dưới hợp ý dân” là gì? Cháu phải biết ý dân là ý trời.



Không có nhận xét nào: